Hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp khai thác, chế biến titan của tỉnh Bình Thuận theo quyết định 1546/QĐ-TTg ngày 3.9.2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 9 đơn vị hoạt động tuyển tách tinh quặng titan với tổng công suất thiết kế 612.000 tấn/năm. Tổng diện tích khai thác, thăm dò là 19.527ha thuộc Quy hoạch quặng titan phân bố dọc ven biển và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia diện tích 82.700ha. Như vậy, tổng diện tích quy hoạch và dự trữ quặng titan là 102.227ha, bằng 13% diện tích tự nhiên của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết, theo Quy hoạch thì trữ lượng và tài nguyên quặng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng và tài nguyên của cả nước. Trong đó, tổng diện tích đưa vào kỳ quy hoạch thăm dò, khai thác quặng titan đến năm 2020 là 26 khu vực, diện tích 19.527ha, trữ lượng và tài nguyên 133,3 triệu tấn. “Dù chỉ mới bước đầu đầu tư, khai thác, chế biến nhưng các doanh nghiệp đã đóng góp một phần vào ngân sách của tỉnh. Cụ thể, tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước 5 năm qua là 157,8 tỷ đồng, trong đó tiền cấp quyền đã nộp là 39,6 tỷ đồng; thuế tài nguyên là 60,1 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường là 11,8 tỷ đồng; thuế xuất khẩu đạt 46,2 tỷ đồng”, ông Nam cho biết.

Nhà máy Hưng Thịnh

Về mục tiêu và chiến lược đầu tư công nghệ, xây dựng nhà máy để khai thác, chế biến sâu titan tại tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nhà máy xỉ titan Hưng Thịnh (Tập đoàn Hưng Thịnh) Phạm Văn Định cho biết, đến thời điểm này, Công ty đang chuẩn bị nguồn lực về khoa học kỹ thuật, thiết bị máy móc, tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học về khoáng sản, địa chất, nhà kinh tế và các chuyên gia về môi trường cũng như nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến titan lớn nhất tại Việt Nam. Dự kiến cuối năm 2018, sau khi hoàn tất giai đoạn pilot Công ty sẽ đặt hàng dây chuyền thiết bị sản xuất TiO2 quy mô công nghiệp. Song song đó, Công ty sẽ xây dựng nhà xưởng để khi thiết bị được gia công xong sẽ lắp đặt, vận hành ngay. Như vậy, từ cuối năm nay đến năm 2021, Hưng Thịnh sẽ đầu tư giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất Pigment TiO2 với công suất 60.000 tấn/năm. Từ năm 2022 đến 2024 sẽ đầu tư tiếp giai đoạn 2 công suất 60.000 tấn/năm, sau khi hoàn thành sẽ có tổng công suất 120.000 tấn/năm. Ngoài công nghệ tiên tiến trên thế giới Tập đoàn Hưng Thịnh còn nghiên cứu sâu và phát triển công nghệ riêng của mình, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước. “Để bảo đảm thực hiện đúng chiến lược này, chúng tôi đã và đang tích cực hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài nhằm đưa dây chuyền công nghệ chế biến sâu titan: Xỉ titan, pigment TiO2, nghiền zircon siêu mịn phục vụ cho hoạt động chế biến khoáng sản, tạo được sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Với nguồn tài chính vững mạnh, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư vào những dự án mang tính chiến lược lâu dài và bền vững, trong đó tập trung chủ yếu là khai thác, chế biến titan tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới”, ông Định nhấn mạnh.

Doanh nghiệp đầu tư bài bản

Theo Kết luận số 76-KL/TW ngày 28.11.2013 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và một số chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 thì Bình Thuận là trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch - thể thao biển. Ba trung tâm trên tập trung phía bắc tỉnh và vùng ven biển, trong đó trung tâm năng lượng và trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.

Về chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu, gắn với khai thác bền vững, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nhà máy xỉ titan Hưng Thịnh (Tập đoàn Hưng Thịnh) Phạm Văn Định cho biết, theo định hướng trong năm 2018, sẽ đầu tư Nhà máy sản xuất Pigment TiO2 với công suất 120 nghìn tấn/năm. “Do vậy, chúng tôi cần nguồn nguyên liệu đầu vào khoảng 360 nghìn tấn ilmenit, tức là khoảng 480 nghìn tấn quặng thô mỗi năm. Khi đã đầu tư nhà máy chế biến sâu thì nguồn nguyên liệu đầu vào phải bảo đảm ít nhất 1 triệu tấn quặng thô mỗi năm. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, chúng tôi mong muốn tỉnh Bình Thuận và các cơ quan chức năng tạo điều kiện được sử dụng khu Lương Sơn III làm nguồn nguyên liệu ổn định, qua đó đóng góp vào ngân sách của địa phương cũng như khẳng định vị thế của ngành khoáng sản titan ở Việt Nam, ông Định kiến nghị.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Thiện Ái là một cụm liên hoàn bao gồm các mỏ của doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác là Công ty TNHH thương mại Đức Cảnh, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Thương mại Sao Mai và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Thương mại Hưng Thịnh Phát. Phó Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH thương mại Đức Cảnh Nguyễn Đức Hưng cho biết: “Việc quy hoạch cụm mỏ liên hoàn là rất hợp lý bởi trong quá trình khai thác có thể tận dụng tối đa diện tích khai thác do không phải để lại bờ taluy dốc moong. Ngoài ra việc lo ngại nhiều dự án khai thác gần nhau sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm cũng không có cơ sở là bởi các doanh nghiệp đã và sẽ tiếp tục đầu tư đường ống dẫn nước của công ty thủy lợi về phục vụ khai thác và không sử dụng nước ngầm. Hơn nữa công nghệ tuyển quặng mới nhất bằng sàn rung cao tầng sẽ tiết kiệm đến 50% lượng nước sử dụng so với trước đây. Bên cạnh đó, các chỉ số thực tế tại khu vực Bàu Nổi giáp ranh dự án cho thấy mực nước của bàu đang ngày càng dâng lên. Điều này chứng tỏ lượng nước ngầm tại khu vực vẫn đang dồi dào”, ông Hưng nhấn mạnh.

Hiện nay, trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn như chi phí sản xuất tăng cao, nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất không đủ dẫn đến hoạt động sản xuất dưới công suất gây lãng phí. Đây cũng là một trong những trăn trở nhất của doanh nghiệp. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương và các bộ, ngành cũng như Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, an toàn để doanh nghiệp có tâm huyết trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản titan yên tâm đầu tư. Trong đó để bảo đảm cho việc đầu tư nhà máy chế biến sâu, rất cần vùng nguyên liệu lớn bảo đảm cung cấp cho hoạt động của nhà máy. Do vậy, chúng tôi rất cần sự ủng hộ của tỉnh Bình Thuận và các cơ quan Trung ương trong việc cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp có tiềm lực thực hiện các dự án lớn trong thời gian tới để góp phần đưa tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận và của Chính phủ.

Đại biểu Nhân dân - 21/05/2018

HÀ NAM

 
Được hỗ trợ bởi Dịch